TÓM TẮT NỘI DUNG TIỂU THUYẾT MIẾNG DA LỪA - BALZAC
Tiểu
thuyết Miếng da lừa (1831) là một trong những tác phẩm xuất sắc đầu
tiên của Honoré de Balzac, tiếp sau cuốn tiểu thuyết lịch sử Những người
Suăng (1829), chấm dứt giai đoạn những tiểu thuyết ly kỳ, kỳ quặc mà
sau này tác giả tự mình gọi là thứ "Văn chương con lợn", và mở đầu bước
phát triển mới trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn sau mười năm tìm
tòi, mò mẫm, gian khổ, lâu dài. Từ nay Balzac đi hẳn vào con đường lớn
của chủ nghĩa hiện thực mà Miếng da lừa là một trong những mốc đầu tiên.
Khi viết Miếng da lừa, Balzac chưa nghĩ tới việc xây dựng cả pho Tấn
trò đời vĩ đại của ông, nhưng ông đã có ý kiến phải đi sát hiện thực xã
hội đương thời, mô tả toàn diện xã hội và tính quy luật trong sự phát
triển của nó, nâng sáng tác của ông lên trình độ khái quát hóa rộng rãi.
Cũng vì vậy, Miếng da lừa nghiễm nhiên trở thành một bước mở đầu, mà đã
già dặn, cho cả công trình lớn lao sáng tạo pho Tấn trò đời tương lai.
Tiểu thuyết Miếng da lừa mà Balzac sẽ xếp vào phần Khảo cứu triết học
của Tấn trò đời, đã đặt ra cả một loạt vấn đề triết lý và xã hội, nêu
lên cả một loạt chủ đề mà sau này nhà văn sẽ đề cập tới cụ thể và đầy đủ
hơn trong nhiều tác phẩm khác của Tấn trò đời.
Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Miếng da lừa như sau:
Raphaël de Valentin là một thanh niên quý tộc phá sản, có tài năng và
chí hướng. Ban đầu anh cam chịu sống cảnh nghèo nàn trong một gian gác
xép để cần cù học tập nghiên cứu và viết sách. Nhưng anh lại khao khát
tình yêu và mơ ước một cảnh yêu đương trong nhung lụa, cho nên anh không
quan tâm đến mối tình của Pauline, con gái bà chủ nhà nơi anh trọ, mặc
dầu họ ân cần chăm sóc anh rất chu đáo.
Rồi một bữa, không kiên
trì được, anh nghe theo bạn là de Rastignac từ bỏ cuộc đời lao động
nghèo khổ để chạy theo cuộc sống phóng đãng, phù hoa của xã hội thượng
lưu. Anh yêu say mê nữ bá tước Foedora, người đàn bà thời thượng có sắc
đẹp và tiền của nhưng lại vô tình, thiếu thốn trái tim để hưởng ứng mối
tình chân thành và nồng nhiệt của Raphaël. Cuối cùng anh bị Foedora cự
tuyệt và anh lăn mình vào những cuộc hành lạc cho tới khi hết nhẵn tiền,
anh định ra sông tự tử.
Nhưng vừa lúc đó, Raphaël được một lão
già bán đồ cổ cho một miếng da lừa có phép màu làm thỏa mãn mọi ước
nguyện của anh, nhưng mỗi lần được toại nguyện thì miếng da lừa co lại
và tuổi đời anh lại giảm đi. Nhờ tấm bùa thiêng, Raphaël trở nên triệu
phú và khi gặp lại Pauline cũng trở nên giàu có, anh định kết hôn với
nàng. Song, được toại nguyện thì miếng da lừa cứ co lại mãi mà bản thân
anh thì mang bệnh nặng. Lo sợ trước cái chết và không làm sao phá được
phép thiêng của tấm bùa, anh định hoàn toàn lánh xa xã hội, sống một
cuộc đời như cây cỏ, không ước vọng, nhưng uổng công. Cuối cùng, bệnh
càng ngày càng trầm trọng, trong một cơn điên, anh ước mơ ân ái với
Pauline và chết trong tay nàng.
*
* *
Balzac bắt đầu
viết Miếng da lừa vào mùa thu năm 1830, nghĩa là khi cuộc Cách mạng
tháng Bảy vừa nổ ra, đánh gục hẳn giai cấp quý tộc ngóc đầu dậy dưới
thời Trùng hưng (1815 - 1830), và đưa tầng lớp tư sản tài chính, ngân
hàng Pháp lên nắm chính quyền. Nền Quân chủ tháng Bảy được thiết lập
(1830 - 1848) thực chất là "triều đại của bọn chủ nhà băng" với khẩu
hiệu nổi tiếng mà một viên thủ tướng đương thời là Ghozau đã vạch ra:
"Hãy làm giàu". Làm giàu, chạy theo đồng tiền, tôn thờ con Bê vàng, đó
là lý tưởng duy nhất ngự trị xã hội đương thời, nó chà đạp lên tất cả
mọi thứ, từ danh dự, đạo đức cho đến tư tưởng, tình cảm... và cả đời
sống con người nói chung. Xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội đó, tiểu
thuyết của Balzac, cả pho Tấn trò đời của ông nói lên cái số phận bi
thảm của con người trong xã hội đương thời, xã hội tư sản ở đó đồng tiền
thống trị, ở đó diễn tiến "cuộc đấu tranh khốc liệt của tất thảy chống
lại tất thảy", ở đó con người bị biến chất, con người trở thành thù địch
với con người. Tiểu thuyết Miếng da lừa chính là tác phẩm đầu tiên
trong đó, Honoré de Balzac bày tỏ thái độ phủ nhận của ông, đối với cái
thực tại tư sản đó, đối với giai cấp tư sản, cụ thể là bọn tư sản tài
chính, ngân hàng vừa nhảy lên nắm chính quyền.
Nhân vật trung tâm
số một của Miếng da lừa là Raphaël de Valentin. Anh xuất thân từ một
gia đình quý tộc bị phá sản, và là một thanh niên có tài năng, có thiện ý
và mang một lý tưởng cao cả. Anh say mê khoa học, nghệ thuật và có hoài
bão sáng tạo những tác phẩm phục vụ nhân loại. Để thực hiện ý đồ đó,
Raphaël sẵn sàng cam chịu một cuộc đời nghèo khổ, thiếu thốn, hy sinh cả
những thứ tối thiểu cẩn thiết. Và náu mình trong một gian gác xép trơ
trụi, anh mê mải viết tác phẩm Luận về ý chí, trong đó, với tuổi trẻ
nồng nhiệt, anh tỏ lòng tin tưởng ở con người. Ở quyền năng của lý chí
và ý chí. Nhưng rồi, chẳng bao lâu, Raphaël cay đắng nhận thấy sự lãnh
đạm ghê gớm, tàn nhẫn của xã hội đối với công việc của anh cũng như đối
với bản thân anh. Anh mau chóng nhận thức được rằng trong xã hội quý tộc
- tư sản, trí tuệ, nghị lực tài năng chẳng đáng giá là bao, những thứ
đó dường như chẳng cần thiết vì không lợi ích cho ai, chẳng ai trục lợi
được tác phẩm của anh cho nên chẳng ai quan tâm đến anh. Sống giữa kinh
thành Paris náo nhiệt mà anh cảm thấy trơ trọi như sống giữa bãi sa mạc
kinh khủng nhất, nghĩa là giữa sự lạnh nhạt của mọi người! Raphaël chỉ
gặp một ít người tốt có thiện cảm với anh trong đám những người nghèo
như anh, nhưng họ lại chẳng giúp đỡ anh nhiều. Và, thế là bao nhiêu hy
vọng và mơ tưởng tan vỡ ở người thanh niên ban đầu có thiện chí đó. Số
phận của Raphaël cũng như của bao nhiêu thanh niên khác như anh, quả
thật là bi đát: họ hoàn toàn không có khả năng thi thố tài năng trong
cái xã hội đầy những tham lam, ích kỷ, tính toán quyền lợi, tiền bạc.
Quả thật trong cái xã hội đó, con đường nghiên cứu khoa học, nghệ thuật
không vụ lợi vì một mục đích cao cả, là một con đường đầy gian nan, trở
ngại. Thế mà, chàng thanh niên Raphaël lại không có đầy đủ nghị lực và
quyết tâm để theo đuổi đến cùng chí hướng của mình. Chẳng bao lâu, anh
chán ngán với cuộc sống nghèo nàn, trơ trọi trên gác xép của anh, anh
muốn tìm một con đường thành công dễ dàng và một cuộc sống đầy đủ hưởng
lạc trong xã hội thượng lưu. Và một bữa, gặp tay bạn cũ là de Rastignac
rủ rê lôi kéo, anh từ bỏ mọi ước vọng cao cả để lăn mình vào cuộc sống
ăn chơi phóng đãng; anh tìm cách len lỏi vào xã hội thượng lưu hào
nhoáng; chạy theo những thú vui trụy lạc: anh say mê cô gái Foedora kiều
diễm nhưng phù phiếm, đỏm dáng mà vị kỷ, không tâm hồn, thiếu một trái
tim.
Nếu giữa Raphaël de Valentin và xã hội đương thời có mâu
thuẫn tạo nên tấn bi kịch về số phận của người thanh niên thì trái lại,
những nhân vật như de Rastignac, Foedora hay như gã tư sản Taillefer...
lại chính là hiện thân của cái xã hội đó...
Thật ra, de Rastignac
cũng là một thanh niên quý tộc nghèo như Raphaël, và trước kia, khi còn
là sinh viên mới ở tỉnh nhỏ lên Paris trọ học, anh ta cũng từng mang
trong đầu một lý tưởng cao cả và có một tâm hồn trong trắng thanh
cao[1]. Nhưng rồi, do ảnh hưởng của xã hội quý tộc tư sản Paris, hắn đã
trở thành một công tử Paris ăn chơi sành sỏi mất hết tư cách đạo đức với
"chủ nghĩa phóng đãng" mà hắn muốn truyền thụ cho Raphaël. Rastignac
thật sự là con đẻ của xã hội tư sản, là "nhân vật anh hùng" của nó. Hắn
trắng trợn, tính toán, mưu thành công và địa vị trong xã hội bằng cái
giá khá đắt là sự sa đọa hoàn toàn về đạo đức và tâm hồn. Ở một cuốn
tiểu thuyết khác về sau của Balzac[2], hắn đã leo lên tới ghế thượng thư
trong chính quyền tư sản và qua cả pho Tấn trò đời mà hắn là một nhân
vật trung tâm và xuất hiện nhiều lần, trong hình tượng de Rastignac,
Balzac đã khái quát rõ ràng và đầy đủ cái chủ nghĩa vị kỷ và hãnh tiến
tư sản.
Đi đôi với Rastignac là nữ bá tước Foedora, người đàn bà
thời thượng của xã hội thượng lưu quý tộc - tư sản Paris. Nàng có sắc
đẹp và có tiền của, nhưng lại không có một trái tim. Ở con người kiều
diễm mà vô tình đó không thể có những xúc động hồn nhiên, cao thượng khả
dĩ đáp lại mối tình nồng thắm chân thành của Raphaël. Nàng phối hợp
trong mình nàng cái lịch sự phù hoa của kẻ phong lưu quý tộc và cái tính
toán vị kỷ của tay doanh thương tư sản, cho nên Balzac nói rất đúng:
"Foedora, chính là cái xã hội này".
Đến như lão tư sản Taillefer,
tay chủ nhà băng giàu sụ, thì rõ ràng hắn là hiện thân số một của trật
tự đương thời. Tất cả mọi quyền hành, thế lực trong xã hội đó đều tập
trung trong tay bọn chủ nhà băng, bọn người có vàng như Taillefer. Xưa
kia bọn chúng làm giàu bằng tội ác và ngày nay bọn chúng là chủ nhân
thật sự của xã hội, bọn chúng đứng trên cả pháp luật và quyền lực quốc
gia. Hãy nghe Taillefer trắng trợn tuyên bố trong một bữa tiệc đế vương
mà hẳn là chủ nhân: "Thưa các ngài, xin nâng cốc chúc cho quyền lực của
vàng. Ông de Valentin trở thành sáu lần triệu phú là nắm được quyền
hành. Từ nay, đối với ông lời ghi trên đầu Pháp điển: "Mọi người Pháp
đều bình đẳng trước pháp luật" là một lời nói láo. Ông ấy sẽ không tuân
theo pháp luật, pháp luật sẽ tuân theo ông ấy. Đối với bậc triệu phú thì
không có đoạn đầu đài không có đao phủ". Thật không còn lời nói nào
điển hình hơn để khái quát bản chất của xã hội tư sản do đồng tiền ngự
trị!
Cái xã hội quý tộc tư sản đó còn được thể hiện ở một khía
cạnh khác trong hình tượng đám người thượng lưu sống nhàn hạ bên suối
nước nóng, nơi mà Raphaël tới để dưỡng bệnh. Cuộc xung đột giữa Raphaël
và bọn người đó nói lên một cách sắc nhọn cái luật thú rừng man rợ chi
phối mọi quan hệ giữa người với người, Balzac viết: "Cái xã hội hào hoa
trục xuất ra khỏi nó những kẻ đau khổ, như một người tráng kiện tống ra
khỏi thân thể mình một nguyên tố bệnh tật. Xã hội thượng lưu kinh hãi
những đau thương và bất hạnh, nó sợ chúng như bệnh lây, nó không bao giờ
do dự giữa chúng và thói hư, thói hư là một xa xỉ phẩm..., nó không bao
giờ buông tha kẻ đấu sĩ bị ngã gục: nó sống trên tiền bạc và sự nhạo
báng... Yếu thì chết! Đó là lời nguyền của cái thứ giai cấp kỵ sĩ được
thiết lập ở hết thảy các dân tộc trên quả đất vì ở đâu đâu kẻ giàu có
cũng ngoi lên và câu châm ngôn đó được ghi trong đáy những quả tim do
giàu có nhào nặn, hay do giai cấp quý tộc nuôi dưỡng... Trung thành với
bản hiến chương của chủ nghĩa vị kỷ đó, xã hội rất mực khắc nghiệt đối
với những kẻ nghèo khổ dám táo bạo đến làm ngăn trở những hội hè của nó,
làm phiền nhiễu những lạc thú của nó. Kẻ nào đau khổ về thể xác hay tâm
hồn, không tiền của hay quyền hành là một tên cùng đinh...".
*
* *
Đối lập với bọn thượng lưu ích kỷ và đồi bại của xã hội quý tộc - tư
sản, Balzac, với cảm tình rõ rệt, vẽ lên hình ảnh trong sáng, thanh cao
của những người nghèo khổ, những người yếu thế như mẹ con Pauline, như
người lão bộc Jonathas, giáo sư Porriquet hay như những người nông dân ở
miền suối nước. Không phải ngẫu nhiên mà những con người hiền lành,
chất phác, đôn hậu lại có thiện cảm với Raphaël de Valentin và giúp đỡ
anh một cách vô tư. Nhưng trước mối tham vọng cá nhân vô hạn của
Raphaël, sự giúp đỡ có hạn của họ trở thành bất lực cả khi anh còn sống
nghèo khổ trong gian gác xép, cho tới lúc anh đã trở thành giàu có nhưng
lại mang bệnh tật hiểm nghèo.
Nổi bật lên trên đám người nghèo
mà có tấm lòng vàng đó là hình ảnh cô gái Pauline ngây thơ, chân thật,
khiêm tốn, cần cù, và cũng trung hậu, nồng thắm. Pauline, tương phản với
Foedora, là tượng trưng cho mối tình chân chính thắm thiết và lòng xả
kỷ cao quý. Nhưng trong xã hội tư sản đồi bại, hình tượng nàng mang tính
chất một ước mơ lý tưởng đối với Raphaël, và trên thực tế, sự giúp đỡ
hy sinh của nàng cho Raphaël đã không có hiệu quả cả khi nàng còn nghèo
khổ lẫn khi nàng đã trở thành giàu có. Không phải không có lý do mà ở
phần kết thúc tác phẩm, Balzac trình bày hình tượng Pauline như một
chiếc bóng, một nàng tiên, một thiên thần khi ẩn, khi hiện, vô hình,
trái lại, Foedora kia, Foedora phù hoa và tính toán, vị kỷ và vô tình,
mới là sự thật trăm phần trăm, cái sự thật sờ sờ mà người ta bắt gặp ở
bất cứ nơi nào trong xã hội đương thời.
*
* *
Raphaël
de Valentin với lòng đầy tham vọng nhưng tinh thần yếu đuối không đủ can
đảm kiên trì một cuộc sống trong sạch nhưng nghèo nàn thiếu thốn. Cố
nhiên anh không đáp lại mối tình ngây thơ, chân thật, thắm thiết của một
nàng Pauline nghèo khổ. Bị cám dỗ bởi lối sống phóng đãng của
Rastignac, và khát khao chia sẻ với Foedora mối tình trong nhung lụa,
anh hăm hở lăn mình vào xã hội thượng lưu để rồi hứng lấy biết bao nỗi
đau khổ, đắng cay mà một kẻ nghèo như anh tất nhiên phải chịu đựng, kể
từ việc thiếu vài hào đi xe để tới nhà tình nhân cho đến việc xoay tiền
mua vé lô đi xem hát với người yêu. Rút cục, khi hết đường xoay tiền mà
tình yêu thì bị cự tuyệt, anh quyết định trẫm mình để kết liễu đời.
Nhưng ở đây, Honoré de Balzac mượn một yếu tố quái dị để nhấn mạnh và
làm nổi bật hơn nữa chủ đề tiểu thuyết của ông: đó là sự xuất hiện của
lão già bán đồ cổ và miếng da lừa thần bí. Cần chú ý rằng việc sử dụng
yếu tố quái dị, thần bí ở đây không hề làm giảm sút tính hiện thực của
tác phẩm, vì tựu trung cái đó không phải là cái quyết định sự phát triển
của chủ đề, mà nó cũng không tách rời nhân vật chính ra khỏi hoàn cảnh
xã hội thực tại với tính quy luật trong sự phát triển của nó. Xét cho
kỹ, những gì xảy ra cho Raphaël sau khi anh thăm cửa hàng đồ cổ và chiếm
hữu miếng da lừa vẫn có thể giải thích được một cách rất tự nhiên: từ
việc anh được các bạn giới thiệu để tham dự bữa tiệc đế vương của tay tư
bản Taillefer đến việc anh được hưởng một món gia tài kếch xù của người
họ ngoại, cho tới cái chết của anh vì bệnh lao, hậu quả của cuộc đời
trác táng theo sau một thời gian sống thiếu thốn kham khổ. Trái lại, yếu
tố kỳ ảo ở đây chính là một phương tiện nghệ thuật được nhà văn xử lý
một cách tài tình để phóng đại, để khái quát hóa, chỉ rõ đầy đủ và sâu
xa hơn bản chất của xã hội, của cuộc sống đương thời, do đó mà cuốn tiểu
thuyết càng có sức thuyết phục mạnh hơn. Lão già bán đồ cổ tập trung
trong tay hắn bao nhiêu của báu thế gian là tượng trưng hùng hồn cho cái
thế lực vạn năng, cái quyền hành phi thường của đồng tiền, còn miếng da
lừa là hình ảnh cụ thể, là sự khái quát hóa triết lý cái số phận bi
thảm của con người bị hủy hoại, phá phách, bị xén cắt về nhân phẩm, tư
cách cũng như về thể xác, tuổi đời trong cuộc sống cá nhân vị kỷ chạy
theo đồng tiền, chạy theo làm giàu và hưởng lạc nó là lý tưởng duy nhất
của xã hội tư sản.
Điều đáng chú ý là tính cách nhân vật Raphaël
de Valentin vẫn tiếp tục phát triển một cách logic, theo quy luật, sau
khi trở nên giàu có cũng như trước kia. Con người đầy tham vọng cá nhân
đó sau khi tiếp xúc với Rastignac, Foedora, với xã hội thượng lưu nói
chung, không tránh khỏi tiêm nhiễm phải cái nọc độc, bệnh hủi của chủ
nghĩa vị kỷ tư sản. Và giàu có không làm cho anh sống cởi mở, khoáng
đạt, rộng rãi hơn, trái lại, với tính vị kỷ làm khô héo, cằn cỗi tâm hồn
con người, anh lại càng co mình thêm vào cái vỏ cứng của chủ nghĩa cá
nhân. Chủ nghĩa vị kỷ lên đến tuyệt đỉnh khi Raphaël trở nên giàu có mà
lại biết mình mang bệnh tật hiểm nghèo không tránh khỏi cái chết. Anh
chỉ còn biết bằng bất cứ giá nào cứu sống cái tính mạng của anh, đến mức
anh chỉ còn nhìn thấy duy nhất bản thân mình, và tự coi mình, là tất cả
vũ trụ: "Đối với anh không còn vũ trụ nữa, cả vũ trụ nằm trong con
người anh". Và Raphaël, trên thực tế, đã chết về tâm hồn từ trước khi
anh chết về thể xác!
*
* *
Tiểu thuyết Miếng da lừa
cùng với một loạt tác phẩm khác xuất hiện khoảng những năm 1830 - 1831
thật sự đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong phương pháp sáng
tác của Honoré de Balzac. Ở Miếng da lừa, người ta thấy rõ ràng hơn hết
những dấu hiệu chuyển biến của nhà văn từ phong cách lãng mạn ban đầu
sang bước trưởng thành, già dặn của một nhà hiện thực chủ nghĩa lớn. Yếu
tố kỳ ảo còn giữ một vị trí quan trọng ở đây sẽ ít dùng đến trong những
tác phẩm sau này. Nhưng đối với độc giả Pháp vào năm 1831, ngay trong
Miếng da lừa cái căn bản nổi bật, vẫn là bức tranh toàn diện xã hội Pháp
dưới thời Louis - Philippe được khái quát hóa với những tính cách điển
hình của xã hội quý tộc - tư sản Pháp đương thời và do bao nhiêu chi
tiết chân thực sinh động, sắc nhọn tạo nên. Từ quang cảnh sòng bạc ảm
đạm bi đát ngay trong những trang đầu tiên đến quang cảnh gian hàng đồ
cổ đồ sộ uy nghiêm, huyền ảo tiếp theo sau, từ không khí náo nhiệt, phức
tạp và hỗn độn của phòng tiệc nhà Taillefer, hết sức huy hoàng mà cũng
nhơ nhớp đến cực độ, với bao nhiêu khách ăn đủ hạng, mỗi người nói một
thứ ngôn ngữ riêng thể hiện rõ rệt tính cách và cá tính của từng người,
cho đến những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Raphaël với các nhà bác học,
các thầy thuốc, mỗi người tiêu biểu cho một xu hướng tư tưởng khác nhau,
có khi đối lập, của nền khoa học và học thuật đương thời... tất cả là
những chi tiết hết sức phong phú tạo nên cái môi trường xã hội hiện thực
một cách sắc nét để hình thành và phát triển có quy luật tính cách của
những nhân vật chủ yếu kể trên, đặc biệt là của Raphaël de Valentin.
Cho nên không lấy làm lạ rằng tiểu thuyết Miếng da lừa là tác phẩm đầu
tiên làm cho Balzac nổi tiếng bước lên địa vị một nhà văn lớn. Cũng
không lạ rằng nó đã được các văn hào thế giới cỡ lớn hết sức hâm mộ kể
từ Goëthe cho đến M. Gorki. Và cho tới nay, nó vẫn là một tác phẩm được
rất nhiều độc giả khắp các nước hoan nghênh.
TRỌNG ĐỨC
Chiều xuống, chiều dần buông…