Huế đẹp. Ai cũng đồng tình. Nhưng nhiều vẻ đẹp của Huế vẫn chưa được du
khách tỏ tường. Bởi nét đẹp của Huế là nét đẹp của sự "dịu dàng pha lẫn
trầm tư"...
Mưa Huế - nỗi niềm khó quên
Mưa Huế thường kéo rất dài, dầm dề và lê thê, như nhà thơ Nguyễn Bính đã lột tả: Trời mưa ở Huế sao buồn thế / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.
(Ảnh: DNSG)
Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi / Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên khi ông đứng trên dải Trường Sơn nhìn về quê mẹ lúc nước nhà còn bị chia cắt.
Tác giả Trần Văn Toản trong bài “Mưa Huế, giọt nhớ, giọt thương” thì viết: “Hạt
mưa Huế vừa nặng, vừa sâu, từ từ, chầm chậm, trong khi đó cơn mưa Sài
Gòn rộ lên rồi tắt làm người ta chưa kịp nhận ra độ nặng nhẹ của giọt
mưa. Mưa xứ Bắc thì phơi phới bay, thiếu đi độ nặng, độ dày. Huế vào mùa
mưa, đất trời tắm mình trong muôn ngàn hạt dong”.
Cứ thế, mưa trở nên thân thuộc và rất gần gũi với cuộc sống của người
dân Huế. Con người Huế sống với mưa, từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất
đến cả hoạt động văn hóa giải trí - một điểm khác lạ so với các vùng
miền khác ở Việt Nam.
Do đó, đúng như tác giả Trần Văn Toản đã khẳng định: “Ai đó đã nói
rất đúng rằng đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như
chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm: đến Huế mà chưa được dong duổi trên
các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm
thâm thì cũng coi như chưa một lần đến Huế”.
Cảnh Huế - "kho vàng" chưa mở
Huế không chỉ là sông Hương núi Ngự đã đi vào thơ ca và lòng người. Huế
còn là cả một kỳ quan thiên nhiên tươi đẹp. Một trong số đó là Vườn
Quốc gia Bạch Mã và khu đầm phá Tam Giang độc nhất vô nhị tại Đông Nam
Á.
(Ảnh: DNSG)
Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông, tỉnh
Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế 60km về phía Nam. Đây là nơi có
cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành.
Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát...
Đặc biệt, khí hậu ở đây gần giống Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo, nhưng do gần
biển nên nhiệt độ mùa Đông không bao giờ xuống dưới 4ºC, và nhiệt độ cao
nhất vào mùa Hè ít khi vượt quá 26ºC. Các chuyên gia nước ngoài đánh
giá Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi
nghỉ ở vùng núi Đông Dương.
Đầm phá Tam Giang là khu mặt nước rộng 22 nghìn hecta. Đây là khu vực đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.
Phá Tam Giang. (Ảnh: DNSG)
Có lẽ sẽ rất khó có thể tìm thấy ở Việt Nam một nơi giống ở đây, nơi
buổi sáng có thể đón bình minh và chiều lại đón hoàng hôn ở cùng một
chỗ. Những người làm du lịch đã ví phá Tam Giang - Đầm Cầu Hai như là
“kho vàng” chưa mở của du lịch Huế.
Người Huế - Ngọt lịm mê say
Huế là một vùng đất đậm địa linh nhân kiệt vào loại bậc nhất Việt Nam.
Đối với tính cách người Huế, nhiều nhà nghiên cứu về Huế gọi đó là "chất
Huế". Tuy nhiên, cho đến nay, không một nhà nghiên cứu Huế nào đạt được
một định nghĩa vuông tròn mang tính hạn định về "chất Huế" cả. Đây phải
chăng chính là lý do một nhạc sĩ nổi tiếng đã quyết xem Huế là tình yêu
của cuộc đời mình, như một người tình chỉ có thể gặp trọng mộng và
khẳng định rằng: Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, nét dịu dàng pha lẫn
trầm tư… khi ông đến thăm Huế?
(Ảnh: DNSG)
Vẻ đẹp của người con gái Huế đã khiến nhiều bậc quân tử đắm say. Có rất
nhiều giai thoại và không ít lời ngợi khen về điều này. Chẳng hạn, các
cậu học trò thường ngâm câu thơ “học trò trong Quảng ra thi, thấy o gái
Huế chân đi không rời” để châm chọc các cô gái Huế, cũng là để được mấy
cô đỏ mặt, tức lên mà chú ý đến mình.
Hay câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”
đã đi vào lòng người Việt Nam bao thế hệ với hình tượng vua Thành Thái
triều Nguyễn vi hành đến Kim Long hỏi vợ. Trong bài hát “Rất Huế” của
mình, nhạc sĩ Võ Tá Hân cũng thừa nhận con gái Huế Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say / Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ / Và hơi thở mềm sương khói bay.
Ẩm thực Huế - Dân dã kiểu... quý phái
Nếu người con gái Huế đẹp, dịu hiền khiến nhiều người “hồn xiêu phách
lạc” thì những món ăn Huế lại càng khiến du khách chân không muốn rời.
Theo thống kê, Huế chiếm 1300/1800 món ăn tại Việt Nam.
Cơm Âm phủ. (Nguồn: DNSG)
Do đó, hiếm có nơi nào ở Việt Nam mà du khách có thể thoải mái trong
lựa chọn khẩu vị như ở Huế. Đến Huế có lẽ ai cũng muốn thưởng thức một
món ăn hết sức dân dã nhưng đầy thi vị, đó là cơm hến.
Cơm hến sẽ cho ta cảm nhận được vị ngọt của hến, vị đậm đà của ruốc, vị
chua của khế, vị chát của trái vả, chuối xanh và cay nồng của ớt, và
gần 20 chất liệu khác.
Ngoài cơm hến, Huế còn nổi tiếng về các loại bánh: bánh bèo, bánh nậm,
bánh bột lọc và cơm Âm phủ, một món ăn có sự tích đến lạ lùng.
Bún bò Huế cũng là món ăn nổi tiếng và được nhiều khách phương xa biết
đến, có gốc tích từ thời các chúa Nguyễn. Ăn bún bò Huế để cảm nhận cái
chất ngọt thanh với đủ mùi gia vị. Mùi sả, mùi ruốc, mùi xương hầm, mùi
thịt luộc, mùi chanh, mùi rau, mùi tiêu hành, nước mắm... quyện vào nhau
tạo thành đặc sản bún bò có sức hấp dẫn lạ lùng, rất riêng của Huế.
Đến Huế, du khách cũng đừng quên tìm hiểu món cơm cung đình, hay còn
gọi là cơm vua, là món ăn độc đáo, không chỉ làm cho khách ta mà cả
khách Tây ngẩn ngơ, thán phục bởi thực đơn cơm vua được chọn từ 8 đến 10
món đặc sắc trong hàng trăm món ăn đặc sắc của Huế.
Món Phượng hoàng khai vị trong một bữa tiệc cơm vua. (Ảnh: H.G - TNO)
Cơm vua không chỉ biểu hiện cái tài nấu nướng của người Huế, còn biểu
hiện nghệ thuật trang trí món ăn đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ cao của cư
dân mảnh đất Thần Kinh.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ở Huế hiện vẫn còn 1.778 ngôi nhà vườn, 85 vương phủ trong thành phố.
Ngoài hàng chục ngôi nhà cổ ở hai khu phố cổ Gia Hội và Bao Vinh, nhà
cổ vẫn còn đó đây ở miệt Kim Long, Nguyệt Biều, Bến Ngự, Vĩ Dạ hay bên
trong Thành Nội.
Theo N.V.T (Doanh nhân SG)
Trang thơ viết về Huế
BBT NetCoDo xin được giới thiệu một số bài thơ hay viết về Huế của các
nhà thơ như: Khuê Việt Trường, Trần Tịnh Yên, Lê Văn Ngăn, Trần Hữu Lục
đăng trên trang thanhnien.com.vn.
Mưa Huế
Ta ám ảnh những cơn mưa Huế
Từ ngày chạm vạt áo em
Mưa lặng lẽ rơi trên hoàng thành rêu xám
Đã tự bao giờ làm ướt cả trăm năm.
Em vẫn thường có những cơn mưa như thế
Mắt không nhìn, vòng tay lại, mím môi
Cả đời ta ngạo mạn vung trời
Mà vẫn sợ những cơn mưa Huế.
Em nhỏ bé chìm trong hàng phượng thắm
Em đi đâu tung tóc khắp phố phường
Tóc em dài, tóc em ngắn có sao đâu?
Mà cứ níu đời ta cùng mưa đến thế.
Mưa ở Huế như em, lâu tạnh
Ta chẳng dám che ô cho khỏi ướt trần gian
Đẫm trong mưa trái tim người bé nhỏ
Bỗng thênh thang bên những con đường.
Khuê Việt Trường
********
Phố nguyệt cầm
Đàn ai
rót một cung trầm
Xuống đêm
thơm phố-nguyệt-cầm
Huế tôi
Tôn nữ xưa đã đi rồi
Còn đây dạ khúc đầy vơi
Nam bình
Trần Tịnh Yên
********
Người và tôi
Những người đã cùng tôi ngược xuôi dọc đường đời
lâu năm rồi chưa gặp lại
Người thiếu nữ trọ học bên miền tả ngạn sông Hương
Người thanh niên cho tôi tạm trú vài đêm trong những năm chiến tranh lưu lạc
Người nhường cho tôi một phần thực phẩm giữa những ngày túng thiếu
Người chỉ cho tôi thấy những cạm bẫy của đồng tiền.
Nơi ký ức tôi, nơi thời gian không thể đến để xóa nhòa mọi dấu vết
nơi những hình bóng thân yêu vẫn như ngọn đèn trong đêm tối
Mai sau, khi gặp lúc phải đi một mình trong đêm
tôi sẽ có ánh sáng ở phía đằng xa để khỏi lạc đường.
Ở Huế
Những ngày tôi còn ở Huế
lưu vực sông Hương thường vọng về tiếng nước gọi tôi thức dậy sớm
Dưới nền trời chưa tắt những vì sao
các con đường nằm lặng im đợi bước chân người.
Và người hiện ra từ những ánh đèn quá khứ
Người đi về phía ngày mai
Người qua đời đã lâu nhưng còn sống giữa lòng người.
Bên người và những câu chuyện
tôi biết quê hương tôi có tiếng nói riêng
tiếng nói của một xứ sở lớn lên từ những vết thương và niềm vinh dự.
Dường như trong đôi mắt em dịu dàng
còn thấp thoáng bóng hình xưa.
Bên người và những câu chuyện
tôi biết quê hương tôi còn mở những ngả đường hướng ra thế giới
hướng vào mỗi tâm hồn người
Từ đó,
tôi nhận ra sự giàu có không chỉ vì đồng tiền.
Rồi sẽ đến ngày tôi không còn ở Huế
Rồi sông Hương sẽ vắng một người lắng nghe tiếng nước gọi mình.
Lê Văn Ngăn
********
Ngàn lau thương nhớ
Mùa này thuyền về cố đô
Sông lặng lờ không muốn chảy
Đôi bờ hiu hắt lau trắng
Núi trùng điệp, chiều sa mù
Bao năm cát bụi Hoa Lư
Âm vọng trong từng thạch nhũ
Mây trắng bay miền đất cổ
Để ngàn lau mãi bạc đầu
Đền đài, cung điện còn đâu ?
Tiếng quân reo ngày tuổi nhỏ
Tiếng mõ trâu u trầm quá
Ai thương cảm cố đô này ?
Bao lớp người đã qua đây
Ngàn lau bạc đầu mong đợi.
Trần Hữu Lục
Sài
Gòn bây giờ bắt đầu vào mưa, cơn mưa của những ngày giao mùa cũng khá
thất thường và cũng chưa đủ để xua tan đi cái oi nồng, nóng bức của ánh
nắng gay gắt đầu hạ. Cũng có những ngày mưa rỉ rả khiến người ta lại nhớ
đến Huế và những cơn mưa... mưa thối đất thối cát chứ không như những
cơn mưa rào chợt đến chợt đi như của Sài gòn... Mưa Huế đã tạo nên tính
cách rất riêng cho Huế cũng như con người nơi đây. Mời các bạn xem bài viết dưới đây nói về mưa Huế gắn liền với tâm tình của người con đất thần kinh.
Những cơn mưa dài lê thê từ ngày này qua ngày khác là điều để lại nhiều ấn tượng cho những ai từng tới Huế.
Những
cơn mưa đầu mùa xối xả kéo dài lê thê từ ngày này qua ngày khác. Có lẽ
đây cũng là nét đặc trưng của Huế để lại trong mỗi người khi đến thăm
nơi đây. Còn đối với 1 người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, thì đã
quá quen thuộc với những cơn mưa dầm lạnh lẽo.
Mưa
Huế - trong chừng mực nào đó - biểu hiện cho tâm hồn Huế. Người ta hay
nói người Huế thường sống hướng nội. Tính cách này được hình thành bởi
nhiều yếu tố: Thiên nhiên sông nước trầm mặc, thành cổ rêu phong, những
nhà vườn hun hút ngõ vắng… và chính mưa Huế là một yếu tố góp phần quan
trọng làm nên tính cách tĩnh tại đó.
Những
cơn mưa dầm ngày này qua ngày khác khiến sinh họat cuộc sống có nhiều
thay đổi. Những người già ngồi thu lu trong nhà nhìn ra khu vườn vắng,
người thiếu nữ bên khung cửa nhìn mưa mà mơ mộng, tình nhân và những
nhóm bạn trẻ lại lang thang theo mưa đi tìm một góc quán kín đáo để…
ngồi tâm sự…
Và
những ai đã từng sống với những ngày mưa xứ Huế, khi xa bao giờ cũng
mang theo những nỗi niềm mưa Huế lê thê đến bùi ngùi như nhà thơ, nhà
báo Văn Công Toàn từng thốt lên rằng:
“Chưa ướt tóc nghĩa là chưa yêu Huế”.
|
Tháp Phước Duyên trong mưa
|
|
Trường Tiền trong làn mưa
|
|
Bên nhau ngày mưa
Có phải trời mưa tạo nên nét
trầm buồn, dịu dàng “cố hữu” trong tính cách con người Huế? Thiếu nữ Huế
e lệ, dịu dàng hơn cùng với tiếng “dạ, thưa” ngọt lịm xao xuyến lòng
ai? Nhớ buổi tan trường, trời đổ mưa, không hối hả tấp vào những mái
hiên ven đường, thiếu nữ Huế vẫn tha thướt, duyên dáng trong tà áo dài
bên chiếc nón chao nghiêng. Cảnh tượng ấy không phải ở đâu cũng có thế
bắt gặp.
Ai bảo tạo hóa đem đến cho
Huế miên man những mùa mưa để rồi “Trận mưa nào cũng đọng giọt tương tư”
(Hải Bằng). Và rồi nhà thơ Nguyễn Bính phải thốt lên:
“Trời mưa ở Huế sao buồn thế -
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày…”.
Mỗi
mùa mưa, Huế khoác lên mình tấm áo màu bạc trắng xóa. Mùa mưa, cũng là
lúc thành quách bám lên màu rêu phong cổ kính, khẳng định sự trường tồn
theo năm tháng. Dòng Hương trở nên thơ mộng, hiền hòa, ôm trọn Huế vào
lòng. Thuyền ai đậu bến sông, thi thoảng lại vẳng lên khúc “Nam ai, Nam
bình”, Mưa Huế mang đến những “giọt buồn, giọt thương, giọt sầu, giọt
nhớ”.
Thú nhất là những đêm ngồi lắng nghe mưa. Mưa đến cuốn đi những
bụi bặm của cuộc sống, gột sạch những ưu tư, muộn phiền. Bỗng thấy lòng
trẻ lại, giọng hát trở nên ấm áp vô thường! Bất giác đưa tay hứng lấy
giọt mưa. Tiếng mưa như hồn Huế ngàn xưa vọng lại, tiếng “ thở” khe khẽ
của Huế nay đang thao thức chuyển
mình. Thấy thêm yêu màu xanh Vĩ Dạ, thêm yêu màu nâu trầm của núi Ngự,
thảng nghe tiếng chuông chùa trên bến Vân Lâu và yêu cả sắc tím mộng mơ
tà áo dài tha thướt.
Mưa!
Huế trầm mặc và yên bình quá! Còn gì hạnh phúc hơn những buổi chiều đi
dọc bờ Hương thấy bước chân mình nhẹ nhàng hơn. Ngắm nhìn thành quách
giăng mắc màn mưa, rêu phong màu cổ độ. Những búp sen trôi dạt, thương
hồ ngơi nghỉ! Mưa làm ướt áo ai, dìu dặt những bước chân… theo miết ta
như một hoài niệm.
LHHH & NTN
|